Lần thứ nhất Hợp_tung

Đối đầu chính trị với liên hoành

Liên minh hợp tung đạt được từ sự thuyết phục các chư hầu nhỏ yếu của Công Tôn Diễn về quyền lợi thiết thực của họ. Ngược lại, phái liên hoành cũng dùng đối sách ứng phó bằng những cuộc du thuyết và hoạt động ngoại giao.

Sự kiện "ngũ quốc tương vương" đánh dấu việc thành lập liên minh hợp tung lần đầu tiên, nhưng đó chỉ là giao ước về chính trị, mà chưa có hành động quân sự nào. Liên minh chính trị này trong thời kỳ đầu gặp phải sự ly gián của Tề Tuyên vương. Nước Tề lo ngại mối liên hợp 5 nước nên tìm cách phá hoại. Tề Tuyên vương muốn ly gián Trung Sơn với Triệu và Ngụy, rồi sau đó lại tìm cách ly gián Trung Sơn với Yên và Triệu, nhưng đều không thành công[6].

Nhưng liên minh hợp tung tiếp tục bị thử thách. Cuối năm 323 TCN, Sở Hoài vương cùng liên hoành với Tần, mang quân tấn công phía nam nước Ngụy. chiếm đóng 8 ấp của nước Ngụy.

Kế đó, để phá kế hợp tung của Công Tôn Diễn, năm 322 TCN, Trương Nghi từ nước Tần sang nước Ngụy thuyết phục Ngụy vương liên hoành với nước Tần và Hàn để tấn công Tề và Sở. Ngụy Huệ vương sau nhiều năm chiến tranh, hiện trạng lúc đó phía nam bị thất thế với quân Sở, nên muốn hòa giải với nước Tần để có đồng minh chống Sở[7]. Do đó Ngụy Huệ vương trọng dụng Trương Nghi, phong làm tướng quốc và xa lánh Công Tôn Diễn[4][6].

Để đối phó, Công Tôn Diễn sai người sang nước Hàn, nói với tông thất nước Hàn là Hàn Công Thúc biết tác hại liên minh giữa Tần và Ngụy với nước Hàn: hai nước này dự định cùng đánh Hàn để xé đất, nếu nước Hàn trọng dụng ông thì ông có thể phá liên hoành Tần-Ngụy đó[8][9]. Hàn Công Thúc tán thưởng ý kiến của Công Tôn Diễn và mời ông sang nước Hàn lo việc quốc sự.

Cùng lúc, Tề và Sở thấy việc liên hoành giữa Ngụy với Tần bất lợi cho mình, nên Tề Tuyên vươngSở Hoài vương cùng công khai ủng hộ Công Tôn Diễn làm tướng quốc nước Ngụy để phá liên minh đó. Ngụy Huệ vương vốn muốn lợi dụng quân Tần để chống Sở và Tề, nhưng sau đó nhận ra Trương Nghi chỉ muốn kéo mình sang phía nước Tần, nên rất bất mãn, không chịu thần phục nước Tần. Tần Huệ Văn vương thấy Ngụy Huệ vương không thần phục bèn ra quân đánh Ngụy[9].

Thấy nước Tần phát động chiến tranh chống Ngụy, các nước Tề, Sở, Yên, Triệu đều lo lắng. Các nước này cùng nhau ủng hộ chủ trương hợp tung của Công Tôn Diễn, mời ông tham gia bàn thảo kế sách cho nước mình[9]. Năm 319 TCN, Ngụy vương thấy chư hầu mời Công Tôn Diễn bèn đuổi Trương Nghi trở về nước Tần và đưa Công Tôn Diễn trở lại làm tướng quốc chủ trì chính sự. Kết quả Công Tôn Diễn được đeo ấn tướng quốc 5 nước chư hầu, càng tích cực đẩy mạnh phong trào hợp tung[8][9].

Đối đầu quân sự

Sang năm 318 TCN, 4 nước Triệu, Hàn, Yên, Sở theo lời kêu gọi của Tê Thủ quyết định hợp binh với nước Ngụy cùng đánh nước Tần, cử Sở Hoài vương làm Tung trưởng[2][9]. Tuy nhiên cuối cùng chỉ có 3 nước Hàn, Triệu, Ngụy (Tam Tấn) thực sự xuất quân hợp lực tấn công nước Tần[4][10].

Khi quân 3 nước tiến đến cửa ải Hàm Cốc thì bị tướng Tần là Thứ trưởng Sư Lý Tật đánh phủ đầu. Vì tổ chức quân 3 nước lỏng lẻo nên không địch nổi quân Tần. Sang năm 317 TCN, Sư Lý Tật đánh bại quân Hàn, Triệu, Ngụy tại Tu Ngư[2][11], hơn 8 vạn quân chư hầu bị giết, tướng Thân Sai bị Tần bắt sống[10][12]. Trận thua quân Tần ở Tu Ngư khiến liên quân hợp tung của Công Tôn Diễn thất bại.